Tư vấn luật dân sự

Bạn đọc Phạm Quốc Huân hỏi:
Kính chào VPLS Lê Phương Nam, em có một vấn đề mong các luật sư giải đáp: Ông A và bà B (thường trú tại, Biên Hòa, Đồng Nai) có 4 người con là anh C, anh D, anh E và chị M. Tháng 5/2015 anh C bị tai nạn lao động chết để lại 2 con là cháu H và cháu T do vợ anh là chị V nuôi dưỡng. Ngày 17/6/2016 chị M chở ông A gặp tai nạn khiến ông A và chị M chết tại chỗ. Ngày 19/9/2016 anh D khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của ông A. Biết rằng ông A và bà B có khối tài sản chung bao gồm: 1 căn nhà 3 tầng tại TP Biên Hòa, Đồng Nai; 3 cuốn sổ tích kiệm tổng giá trị 2 tỷ đồng, 5 cây vàng 9999, ngoài ra ông A còn được thừa kế riêng 1 mảnh đất vườn với diện tích 1000m2 tại quê nhà do tổ tiên để lại (giấy CNQSDĐ mang tên ông A) hiện đang do mẹ ruột của ông trông coi.
Hỏi: Thời điểm mở thừa kế và địa điểm mở thừa kế đối với khối di sản của ông A là ở đâu và khi nào? Hãy chia di sản của ông A biết rằng ông không để lại di chúc, chị M có chồng và 1 con nuôi là bé Hoa 6 tuổi. Em xin chân thành cảm ơn!
 
Văn Phòng Luật Sư Lê Phương Nam trả lời:
Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn luật đến Bộ phận luật sư tư vấn pháp luật của VPLS Lê Phương Nam. Nội dung câu hỏi của bạn đã được đội ngũ luật sư của Chúng tôi nghiên cứu và tư vấn cụ thể như sau:
1. Cơ sở pháp lý: Bộ luật dân sự 2005
2. Nội dung tư vấn:
Theo như trình bày của bạn, trường hợp này ông A chết và không để lại di chúc do đó di sản của ông A sẽ được chia thừa kế theo pháp luật theo quy định tại Điều 675 Bộ luật Dân sự năm 2005:
"Điều 675. Những trường hợp thừa kế theo pháp luật
1. Thừa kế theo pháp luật được áp dụng trong những trường hợp sau đây:
a) Không có di chúc;..."
Thời điểm mở thừa kế là thời điểm ông A chết và địa điểm mở thừa kế là TP Biên Hòa, Đồng Nai, cụ thể Điều 633 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định:
"Điều 633. Thời điểm, địa điểm mở thừa kế
1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết. Trong trường hợp Toà án tuyên bố một người là đã chết thì thời điểm mở thừa kế là ngày được xác định tại khoản 2 Điều 81 của Bộ luật này.
2. Địa điểm mở thừa kế là nơi cư trú cuối cùng của người để lại di sản; nếu không xác định được nơi cư trú cuối cùng thì địa điểm mở thừa kế là nơi có toàn bộ hoặc phần lớn di sản."
Theo quy định của Điều 635 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người thừa kế bao gồm:
"Điều 635. Người thừa kế
Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trong trường hợp người thừa kế theo di chúc là cơ quan, tổ chức thì phải là cơ quan, tổ chức tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.
1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản."
Ngoài ra, theo dữ liệu bạn đưa ra thì chúng tôi có thể thấy rằng anh C và chị M chết trước và cùng thời điểm với ông A do đó theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 sẽ xảy ra thừa kế thế vị, cụ thể Điều 677 quy định:
"Điều 677. Thừa kế thế vị
Trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống."
Do đó, những người thừa kế trong trường hợp này bao gồm: bà B, anh D, anh E, cháu H, cháu T và cháu Hoa.
Trên  đây là ý kiến tư vấn căn cứ vào các quy định của pháp luật và thông tin do quý khách hàng cung cấp. Mục đích đưa ra nội dung tư vấn này là để các bạn tham khảo. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc bạn vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài 24/7 gọi số: 19006599 hoặc gửi qua email: luatsuleba@gmail.comluatsuleba@lpn.vn - luatphuongnam@gmail.com để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ chúng tôi.
Rất mong nhận được sự hợp tác!
Trân trọng./.                                  
Bộ phận Luật sư dân sự - VPLS Lê Phương Nam.
 

Hỏi đáp liên quan

Lên trên
Để lại lời nhắn cho chúng tôi

Xin vui lòng để lại lời nhắn.

0918 477 636